Trong hàng loạt các giống gà quý nổi tiếng của Việt Nam, gà Hồ có vẻ là cái tên còn khá mới mẻ với người tiêu dùng. Đây là dòng gà đã xuất hiện từ lâu, hiện nay được xếp vào hàng phải bảo tồn và nhân giống vì mang lại nhiều lợi ích kinh tế cao. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về giống gà này cũng như cách chăm nuôi chúng hiệu quả nhé!
Gà Hồ – giống gà mới lạ trên thị trường
Sở dĩ giống gà này có tên như vậy là bởi vì chúng có xuất xứ từ thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ xa xưa, gà Hồ đã được xếp vào nhóm “của ngon vật lạ” chuyên dùng để tiến cung dâng lên vua. Ngoài ra, hình tượng của loại gà quý này còn xuất hiện trong tranh Đồng Hồ, trong các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam.
Đến ngày nay, giá trị của gà Hồ vẫn không hề giảm đi, thường được mọi người săn đón trong những dịp đặc biệt như ngày lễ, cúng hoặc ngày Tết. Tuy nhiên nhu cầu của người dùng thì ngày càng tăng, nhưng số lượng gà thì có hạn, nên người buôn vẫn hay bảo rằng “có tiền chưa chắc đã mua được”.
Đặc điểm của gà Hồ là gì?
Mỗi giống gà có các đặc trưng khác nhau và chúng ta có thể phân biệt gà Hồ với các giống khác thông qua các đặc điểm nổi bật dưới đây. Gà Hồ có tầm vóc tương đối to lớn hơn so với các giống gà địa phương khác. Đầu gà có phần giống hình đầu con công hay còn gọi là “đầu công”.
Mào gà có màu đỏ, hình dáng giống như miếng chanh úp ngược. Đuôi gà thường xòe to như cái nơm, vểnh lên, các lông đuôi không quá dài và tương đối bằng nhau. Chân gà Hồ thường to hơn bình thường nhưng không lớn như gà Đông Tảo, thấp, tròn, có 3 hàng vẩy, vẩy chân mịn màu vỏ đậu nành.
Gà trống thường có hai màu lông chính là màu đen ánh xanh (mã lĩnh) và màu đỏ đậm (mã mận). Gà trống có dáng cao, to, lưng vuông, ngực nở rộng, trọng lượng của gà trống trưởng thành nặng từ 4,5 đến 5,5 kg.
Gà mái có ba màu lông chính là màu đất sét (mã thó), màu lông chim sẻ (mã sẻ) và màu vỏ quả nhãn khô (mã nhãn). Trọng lượng của gà mái khi trưởng thành dao động từ 3,5 đến 4,0 kg. Do trọng lượng lớn nên cơ thể gà mái khá chậm chạp, dẫn đến việc ấp trứng và nuôi con của gà mái rất vụng về. Do đó dẫn đến việc trứng được ấp mà không nở, số lượng gà con được sinh ra thường ít đi nhiều so với số trứng, cũng ít hơn so với giống gà khác.
Nhận biết gà Hồ thuần chủng và lai
Gà Hồ lai là giống gà được tạo ra thông qua lai tạo giữa giống thuần chủng và giống gà Lương Phượng của Trung Quốc. Vì giống gà lai vẫn mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho người dân, nên các mô hình chăn nuôi gà lai không ngừng được phát triển và mở rộng hơn. Giống gà lai này vẫn mang các đặc điểm đặc trưng của gà Hồ, tuy nhiên bên cạnh đó còn có các đặc điểm khác biệt. Dưới đây là các đặc điểm để chúng ta phân biệt giữa 2 loại.
Gà Hồ thuần chủng
Đặc điểm dễ phân biệt nhất chính là đôi chân. Chân của gà Hồ thuần chủng thường dài, to, dáng đi cũng chậm rãi, thường thể hiện sự uy nghiêm, chững chạc. Vóc dáng của gà thuần chủng cao to hơn những loại gà thông thường khác. Lông của gà trống thường có màu đỏ mận, và gà trống trưởng thành có thể nặng đến 6kg. Gà mái thường có lông màu vàng nhãn và có thể nặng khoảng từ 4 – 5kg. Gà thuần chủng thường được nuôi tại vườn.
Gà Hồ lai
Gà lai có vóc dáng cao to hơn cả gà Hồ thuần chủng nhưng hiền lành hơn. Thân gà lai thường dài, đùi và chân cao nhưng nhỏ hơn dòng thuần chủng. Ngón chân tách rời nhau và có mào sít ở trên đầu. Gà lai thường khỏe mạnh và dễ chăn nuôi hơn gà thuần chủng, có khả năng chống chọi với bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt tốt.
Loại thức ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà Hồ
Đầu tiên, ta cần cho gà con bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng bằng cách hoà Glucose và Vitamin C với nước uống. Chỉ cho gà uống nước trong vòng 2 – 4 giờ đầu, sau đó mới dùng cám chuyên dụng cho gà con. Một ngày gà con ăn từ 5 – 6 lần (lưu ý đổ thức ăn mỏng vì gà con vừa ăn vừa bới, đổ nhiều sẽ lãng phí, thức ăn dễ ôi thiu).
Sau tuần đầu tiên, có thể cho gà con ăn tấm hoặc ngô kết hợp với rau xanh xay nhuyễn với tần suất 3 – 4 lần/ngày. Nếu nuôi theo hình thức công nghiệp, người nuôi có thể cho gà ăn cám công nghiệp phù hợp độ tuổi, kết hợp với rau để bổ sung vitamin và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Nếu nuôi theo hình thức chăn thả, có thể cho gà Hồ các loại như cám gạo, thóc, ngô và rau xanh.
Kỹ thuật nuôi gà Hồ hiệu quả
Hiện nay, nhiều hộ nông dân áp dụng các hình thức chăn nuôi khác như nuôi công nghiệp hoặc bán chăn thả. Tuy nhiên, để nuôi gà Hồ hiệu quả nhất thì nên áp dụng hình thức nuôi thả vườn. Thực tế, kỹ thuật nuôi không khác mấy so với kỹ thuật nuôi các loại gà khác, điểm quan trọng nhất cần chú ý là khâu làm chuồng.
Chọn giống gà Hồ
Muốn nuôi gà Hồ hiệu quả thì trước hết là cần chọn đúng giống. Có 2 nguyên tắc chọn giống như sau:
Thứ nhất, mắt sáng, lông mịn, da săn chắc và hồng hào.
Thứ hai, kiểm tra mỏ gà thẳng, không lệch, không bị tật hoặc sức mẻ. Quan sát xem gà đi có vững, có nhanh nhẹn và hoạt bát hay không.
Người chăn nuôi nên chọn mua giống ở cơ sở hoặc trại gà uy tín, nếu có thể mua tại làng Hồ là tốt nhất.
Chuẩn bị chuồng trại
Nếu chăn nuôi công nghiệp quy chuẩn về chuồng trại sẽ cần đáp ứng đúng yêu cầu. Cụ thể diện tích và các vấn đề cần nhớ gồm có:
- Diện tích ô chuồng: 2 – 3m2, rải thêm trấu khô hoặc rơm, cỏ khô sạch để làm đệm.
- Nền chuồng: bằng tre, gỗ, nứa hay sắt cách nền tầm 40 – 70cm cho phân rơi xuống đất, cần có hệ thống thoát nước tốt.
- Thành chuồng: cần có lưới che, lắp đặt hệ thống điện sưởi cho gà con.
- Ổ đẻ: ổ đẻ là lồng nuôi gà (gà đẻ xong, trứng sẽ lăn ra ngoài).
Chăn nuôi thả vườn/ bán chăn thả:
- Hướng chuồng: người chăn nuôi nên hướng cửa chuồng về phía Đông Nam để đón nắng mặt trời, giúp chuồng trại khô thoáng.
- Nền chuồng: xây dựng tương tự như chuồng nuôi công nghiệp.
- Xung quanh chuồng: căng rào với lỗ thưa để đảm bảo khu vực nuôi thả thoáng gió. Người nuôi nên tạo thêm một số giàn đậu bằng tre hoặc gỗ vì gà Hồ thích đậu trên giàn.
- Số lượng bãi: xây dựng từ 2-4 bãi để thả gà luân phiên, ban ngày nên cho gà đi dạo đến tối mới lùa vào chuồng.
- Ổ đẻ: bằng thúng, thùng, hộp hoặc chuồng đẻ riêng, đặt nơi tối, khuất bóng gà trống hoặc gà mái khác.
Chuẩn bị máng ăn/ máng uống
Về máng ăn đối với gà từ 1 – 3 ngày tuổi, người chăm nên rải thức ăn trên giấy lót trong lồng úm cho gà con tiện ăn. Với gà con từ 4 – 14 ngày tuổi, ăn bằng khay hoặc máng còn gà con từ 15 ngày tuổi trở lên: cho ăn bằng máng treo, lưu ý treo máng ở độ cao phù hợp để tránh gà con rơi vào. Gà nuôi thả hoặc bán thả, người chăn nuôi nên thêm một số máng cát/ sỏi nhỏ để giúp cho gà dễ tiêu hóa thức ăn hơn, và cung cấp thêm chất khoáng cho gà.
Về máng uống nước người nông dân nên sử dụng loại máng uống 1,5 lít cho cả bầy gà. Nên đặt máng nước gần với khay ăn để thuận tiện cho gà uống nước. Số lần thay nước trung bình là từ 2 – 3 lần/ ngày để đảm bảo nước không bị chua vì lẫn thức ăn vào.
Ưu điểm và giá bán của loại gà này
Gà Hồ có khả năng tăng trưởng nhanh, dễ chăm nuôi, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cả về thị giác và vị giác. Gà có lông màu đỏ mận, lông ốp và có mào sít, khá tương đồng với giống gà lai chọi, đặc biệt thu hút ánh nhìn của người tiêu dùng. Thịt gà này thì rất thơm, dai ngon và đậm vị. Chúng ta có thể chế biến được rất nhiều món ngon từ giống gà quý này với hương vị đậm đà và độc đáo hơn các loại thịt gà khác. Do đó, giá bán của loại gà này cũng đặc biệt cao hơn hẳn so với gà thường.
Gà mới nở thì có giá dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/con. Khi gà được từ 1 tuần đến 2 tháng tuổi thì giá mỗi con sẽ dao động từ 230.000 đến 800.000 đồng. Những con gà có cân nặng từ 5 – 6 kg sẽ được bán với giá từ 500.000 đồng trở lên.
Nhưng lưu ý để chăm sóc gà Hồ hiệu quả
Để có thể chăm sóc giống gà này hiệu quả bạn cần ghi nhớ một số lưu ý khi phòng bệnh và nuôi. Mọi người cần nhớ các nội dung như sau để đàn gà nhà mình luôn khỏe mạnh:
Phòng bệnh khi nuôi gà Hồ
Phòng bệnh là một vấn đề rất quan trọng trong chăn nuôi gà Hồ, sẽ hạn chế được khả năng bệnh tật của gà, giúp gà tăng trọng nhanh. Để phòng bệnh tốt, chúng ta cần:
- Vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ (máng ăn, máng uống…) thường xuyên mỗi ngày.
- Chú ý chuồng thông thoáng và nền chuồng phải khô ráo.
- Hạn chế các nguồn lây lan bệnh truyền nhiễm như chuột, dơi, côn trùng…
- Tiêm vaccine ngừa các loại bệnh (như Newcastle, Gumboro,…)
Chú trọng khi chăm sóc gà con
Người chăn nuôi cần lưu ý đảm bảo thân nhiệt cho gà con dưới 1 tháng tuổi. Có thể thiết kế lồng úm với kích thước 2m x 1m x 0,5m, trung bình chỉ úm 100 gà con cho 1 lồng. Sử dụng đèn điện 60-200W để sưởi ấm cho gà con. Người chăm cần chú ý đến thời tiết, nếu trời gió rét thì cần bao bọc quanh lồng úm thêm để giữ ấm.
Để tăng sức đề kháng cho gà con, người chăm có thể hòa 1 lít nước với 50g đường Gluco, 1g Permasol, 1g Vitamin C cho gà uống. Có thể cho gà ăn sau 2 – 3 giờ.
Kết luận
Trên đây, bài viết đã giới thiệu tổng hợp các thông tin về gà Hồ – một trong những loại gà quý hiếm và đắt đỏ bậc nhất của Việt Nam. Việc chăm nuôi một giống gà không phức tạp nhưng cũng không hề dễ, mọi người cần nghiên cứu kỹ và đầy đủ các kỹ thuật nuôi trước khi thực hiện nhé!