Nhân giống cây trồng là cách tạo ra cây mới từ nguồn cây mẹ có sẵn tại nhà vườn. Nhờ sử dụng các phương pháp nhân giống cây trồng hiện đại, nhà vườn có thể tạo ra cây giống mới hoàn toàn miễn phí. Các cây mới đảm bảo được chất lượng, nguồn giống và khả năng đem lại nguồn lợi kinh tế tốt hơn. Ngoài sử dụng trực tiếp cho nhà vườn, các cây giống mới cũng có thể bán cho các nhà vườn khác.
Nhân giống cây trồng là gì?
Nhân giống cây trồng (hay nhân giống thực vật) là quá trình trồng cây giống mới từ các nguồn khác nhau. Phổ biến nhất như hạt giống, cành, lá hoặc từ các bộ phận khác của chính cây nguồn. Nhân giống trực tiếp từ cây trồng giúp duy trì đặc tính tốt sẵn có của cây bố mẹ.
Cây mới tạo ra ít bị sâu bệnh, thích nghi tốt. Một cây có thể sử dụng nhiều phương pháp nhân giống khác nhau (ví dụ các loại cây ăn quả). Ngược lại, có những giống cây chỉ sử dụng được duy nhất một cách nhân giống.
Nhân giống cây trồng và những phương pháp phổ biến
Nhân giống vô tính, nhân giống hữu tính, nhân giống bào tử và nuôi cấy mô là 4 phương pháp nhân giống cây trồng được biết đến hiện nay. Tuy nhiên, đối với nuôi cấy mô và nhân giống bào tử dù hiệu quả tốt nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao nên ít được các nhà vườn sử dụng. Trong khi đó phương pháp nhân giống vô tính và hữu tính đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, chất lượng cây giống vẫn đáp ứng được yêu cầu. Do đó 2 phương pháp này thường được các nhà vườn ưu tiên sử dụng.
Thực hiện nhân giống cây trồng hữu tính
Nhân giống hữu tính thuộc phương pháp nhân giống cổ truyền, tạo cây con từ hạt. Được đánh giá là phương pháp dễ làm và đơn giản nhất. Tốc độ phát triển cây mới từ hạt giống nhanh chóng.Tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường đặc biệt là nhiệt độ.
Có thể lựa chọn nhân giống cây trồng vô tính
Phương pháp nhân giống cây trồng sử dụng một phần cơ quan của cây như cành, rễ, lá, thân…để tạo ra thân cây mới được gọi là nhân giống vô tính. Phương pháp nhân giống vô tính còn được gọi tên khác là nhân giống sinh dưỡng.
Trong nhân giống vô tính có 4 phương pháp được dùng phổ biến: giâm cành, chiết cành, tách cây và tiếp ghép. Cụ thể của từng phương pháp này sẽ được đề cập ngay dưới đây.
Tổng hợp các phương pháp nhân giống hiệu quả
Mỗi mùa vụ mới bắt đầu, nhu cầu về cây giống lại tăng cao. Để phát triển bền vững và đạt được hiệu quả cao, nguồn giống đầu vào phải đảm bảo chất lượng. Hiện nay, phần lớn nhà vườn và nông dân trực tiếp nhân giống thay vì đi mua từ các nhà vườn khác. Dưới đây là tổng hợp 5 phương pháp nhân giống hiệu quả, hiện đang được áp dụng nhiều nhất.
Phương pháp nhân giống cây trồng từ hạt
Phương pháp gieo hạt chính là nhân giống hữu tính. Không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí nhân công thấp, cây thích ứng tốt, rễ cây khỏe và đặc biệt hệ số nhân đồng thời cao. Đây là phương pháp được các chuyên gia Nông Nghiệp khuyến khích người dân sử dụng đặc biệt với các loại cây trồng dài ngày.
Hạt giống được sử dụng cho vụ mùa tiếp theo cần được chọn lựa kỹ càng. Đảm bảo hạt không bị mọt mốc, sâu bệnh, hạt giống phải tròn, chắc mẩy. Khu đất để ươm mầm phải tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt.
Để hạt nảy mầm tốt nên tiến hành khử trùng đất và bón lót dinh dưỡng cho đất trước khi gieo. Trong quá trình hạt phát triển cần theo dõi cẩn thận để đảm bảo độ ẩm và nhiệt độ phù hợp cho sự nảy mầm. Mật độ cây con sau khi nảy mầm phải phù hợp, để đảm bảo cây có thể sinh trưởng tốt.
Sử dụng phương pháp tách cây để nhân giống cây trồng
Tách cây là một trong các cách nhân giống cây trồng vô tính. Không sử dụng bào tử hợp nhất thông qua quá trình thụ phấn giống gieo hạt. Tách cây sử dụng trực tiếp một phần cơ thể cây mẹ để trồng và chăm sóc thành cây mới. Phần cơ thể được sử dụng chủ yếu là các cơ quan dinh dưỡng như rễ, lá, củ, đỉnh sinh trưởng…
Một năm thường có 2 thời điểm phù hợp nhất để các nhà vườn tiến hành tách cây:
- Mùa thu (tháng 10- tháng 11) đối với cây trồng có hoa nở vào màu xuân
- Mùa xuân (tháng 3- tháng 4) đối với cây trồng có hoa nở mùa thu
Phương pháp tách cây để nhân giống thích hợp với các loại cây có bộ rễ chùm và mọc thành bụi. Do phương pháp giữ được nhiều đặc tính ưu việt từ cây mẹ, cây mọc nhanh và dễ sống.
Ghép cây để nhân giống cây trồng
Kỹ thuật ghép cây để nhân giống cây trồng có 2 loại chính: ghép mắt và ghép cành. Sử dụng một bộ phận của cây giống (mắt hoặc cành) để ghép sang một gốc cây khác (gọi là gốc ghép). Cây giống mới được tạo ra từ quá trình này vẫn đảm bảo được những đặc tính của cây giống ban đầu.
Ghép cây cùng một loài và một cá thể còn được gọi là tự ghép. Cùng loại nhưng ghép giữa các cá thể khác nhau gọi là đồng ghép. Sự kết hợp của hai loài và giống khác nhau gọi là dị ghép.
Phương pháp nhân giống ghép cây hiện nay đang được sử dụng rộng rãi nhất. Cây ghép đem lại hiệu quả cao khi thời tiết khô ráo, thuận lợi đặc biệt vào các tháng 2,3,5,7,8,9. Cả cây giống và gốc ghép phải được chọn lựa cẩn thận. Đảm bảo cây được khỏe mạnh và cách ly nguồn bệnh trước khi ghép.
Nhân giống cây trồng bằng phương pháp giâm cành
Giâm cành hay còn được gọi là giâm hom. Giống như các phương pháp nhân giống vô tính khác, giâm hom giúp giảm giá thành sản xuất nhưng vẫn đem lại kinh tế cao. Một phần dài khoảng 10-15cm từ cành, rễ hoặc lá từ cây mẹ được ngâm trong nước hoặc giâm vào đất. Chúng sẽ đâm rễ, sinh trưởng các chồi và hình thành một cá thể sống mới.
Các cây con được tạo ra từ phương pháp này thường có chất lượng đồng đều nhau, vẫn mang đặc tính di truyền của cây mẹ. Phương pháp này thích hợp với các loại cây trồng ngắn ngày.. Tuy nhiên nếu cây mẹ mang bệnh, không được khỏe mạnh, thì chất lượng cây giống sinh ra từ phương pháp này không cao.
Chiết cành để nhân giống cây trồng mới
Chiết cành là làm cho một đoạn cành hoặc một cành ra rễ trực tiếp trên cây, sau đó sẽ được tách khỏi cây mẹ và đem trồng thành một cây mới độc lập. Một số người coi phương pháp nhân giống cây trồng này giống với giâm hom, nhưng không tách cây mẹ ngay từ đầu.
Phương pháp này được sử dụng nhiều với các loại cây ăn quả. Để thực hiện phương pháp này trước tiên cạo vỏ xung quanh cành cây để tạo ra các vết thương, sau đó bọc đất xung quanh. Bó cố định lại bằng vải hoặc túi ni lông. Cây sẽ ra rễ ở vị trí cạo vỏ này.
Cũng có thể uốn cong cành cây xuống đất sau đó bao bùn xung quanh, cành tiếp giáp đất bùn cũng sẽ phát triển thêm rễ. Do nhận được chất dinh dưỡng trực tiếp từ cây mẹ nên cây có tỉ lệ sống và sinh trưởng cao. Chiết cành có thể chiết cành cao, chiết nén nhiều cành, chiết cành liên tục hoặc chiết nén một cành.
Các kỹ thuật nhân giống hữu ích
Hiện nay, ghép cây là phương pháp nhân giống được đánh giá cao nhất. Phương pháp này khắc phục được hầu hết các nhược điểm của các phương pháp còn lại. Để có được cây giống đảm bảo chất lượng cao nhất, chất lượng cây mẹ đầu vào cũng cần được đảm bảo.
Tuy vậy, tùy từng loại cây, mùa vụ sẽ áp dụng kỹ thuật nhân giống khác nhau để đem lại năng suất cao nhất cho cây trồng. Ví dụ cây lúa chỉ có thể sử dụng phương pháp nhân giống vô tính.
Lưu ý khi thực hiện phương pháp nhân giống cây trồng
Để có một cây giống tốt, áp dụng đúng phương pháp thôi là vẫn chưa đủ mà cần đảm bảo thêm các điều kiện dưới đây:
- Thời điểm thực hiện các phương pháp này phải hợp lý, đúng thời điểm
- Cây giống, hạt giống phải tốt, không sâu bệnh
- Đất trồng tơi xốp, được khử trùng định kỳ và giàu dinh dưỡng
- Các yếu tố khác như nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phải phù hợp
Kết luận
Mỗi phương pháp nhân giống cây trồng đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Do đó, nhà vườn cần phải tìm hiểu, có kiến thức chắc chắn về giống cây mình đang trồng để áp dụng phương pháp tốt nhất.